Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người

Đổi mới giáo dục là một thành phần cực kỳ quan trọng trong toàn bộ công cuộc đổi mới của chúng ta, cho nên nếu nói đây là thời điểm thích hợp và cần thiết, thì thực ra nó đã là thích hợp và cấp thiết từ rất lâu rồi. Trong suốt tiến trình đổi mới, và đặc biệt trong mấy năm gần đây, thực tiễn phát triển đất nước ngày càng đòi hỏi nhiều chất lượng cao hơn của giáo dục, nên các vấn đề giáo dục ngày càng “nóng” hơn, và đã được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Đã có nhiều tranh luận, nhiều ý kiến, phê phán có, đóng góp có, cả về những vấn đề lớn và chung về triết lý, về quan điểm, cả về những giải pháp và biện pháp cụ thể, nhưng hình như nói đã nhiều mà nghe thì chưa được bao nhiêu.

Cho nên nếu xem là thích hợp, thì tôi đồng ý có lẽ đây đã là thời điểm thích hợp để bình tĩnh ngồi lại để nghiền ngẫm và cân nhắc mọi ý kiến đóng góp, mọi đề xuất... để thực sự rút ra được những kết luận cần thiết cho những vấn đề của nền giáo dục của ta hiện nay, từ những vấn đề về quan điểm, mục tiêu của giáo dục cho đến những giải pháp, biện pháp giải quyết những bài toán trước mắt.

Những vấn đề chung về triết lý giáo dục, về quan điểm, mục tiêu của giáo dục, tuy theo một cách hiểu nào đó, có thể không liên quan trực tiếp đến những giải pháp cho những vấn đề trước mắt, nhưng nếu thiếu sự chỉ đạo của một triết lý chung có tính chất bao trùm như vậy thì việc đi tìm những giải pháp cho các vấn đề cụ thể sẽ dễ sa vào tính lẻ tẻ, chắp vá, thiếu nhất quán.

Cho nên, dầu có thể chưa sớm đạt được sự thống nhất hoàn toàn, tôi vần nghĩ rằng tiếp tục tranh luận để đi đến xác định được một nội dung đồng thuận về mục tiêu giáo dục là hết sức cần thiết. Riêng tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Nguyên Ngọc khi anh phát biểu rằng cần phải thiết lập một nền giáo dục thích hợp với thời đại ngày nay (1), dựa trên một triết lý cơ bản về giáo dục, lấy mục tiêu là đào tạo nên những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, và sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo như vậy. Và, để tạo nên những con người tự do với các phẩm chất như thế, trách nhiệm của xã hội là phải kiến tạo một nền giáo dục thật sự bình đẳng và công bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự học tập của mọi công dân. Từ triết lý cơ bản đó mà tìm ra phương hướng giải quyết mọi vấn đề cụ thể khác, về tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân, về qui định và hiện đại hoá các chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, về phân bổ ngân sách cho giáo dục, về quản lý và điều hành sự phát triển của nền giáo dục...